Dạo phố xưa, thầm thương con dấu gỗ

12 Tháng Mười, 2019 3 Comments

Nghề khắc dấu cổ truyền Hà Nội như đang dần phai mờ trước nhịp sống hối hả và guồng quay vô tình của tạo hóa. Song đâu đó giữa lòng của một thành phố hiện đại đổi mới hàng ngày như Hà Nội, vẫn còn đó những nghệ nhân tâm huyết gắn bó với nghề của cha ông, ngày ngày tiếp lửa giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống.

con-dau-go

Sự đa dạng của các sản phẩm dấu gỗ

Dạo quanh một vòng phố cổ Hà Nội, đi thăm những con phố đượm mùi xưa cũ khiến người ta yêu thêm cái nét đẹp cổ điển tinh tế mà chỉ Hà Nội mới có. Ví như phố Hàng Mã với cờ hoa giấy màu rực rỡ, phố Hàng Đường với đủ loại ô mai nức tiếng xa gần hay phố Thuốc Bắc ngào ngạt hương thuốc gia truyền. Và có ai biết, ai nhớ rằng phố Tô Tịch hay phố Hàng Quạt xưa kia từng rất nổi tiếng với nghề khắc dấu nhưng giờ đây chỉ còn thấp thoáng các cửa hàng đang tiếp nối nghiệp từ xa xưa.

khac-con-dau-go

Nét khắc tinh xảo trên những con dấu

Nghề khắc dấu đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và sự sáng tạo tinh tế, trong khi đó người chơi dấu phải đầu tư công sức, tâm huyết và chiều sâu tâm hồn để tạo ra ý nghĩa riêng, sự độc đáo và mới lạ cho con dấu của mình. Người khắc dấu phải kiên trì lắm, chuyên tâm lắm mới có thể tạo ra một con dấu như ý, một giây sơ suất cũng có thể khiến nét khắc kém duyên. Gỗ dùng để khắc dấu chỉ có thể là gỗ Lồng Mực bởi đây là loại gỗ ngang thớ, mềm thớ mịn, dễ hút mực, không tốn nhiều công sức khi tạo hình trên gỗ. Loại gỗ này rất khó tìm, người nghệ nhân thường phải về tận “quê cha đất tổ” của nghề khắc dấu – Thường Tín để mua được loại gỗ như ý.

khac-con-dau-go-1

Đồ nghề để khắc gỗ đơn giản là những chiếc thước đo và dùi được mài

Những họa tiết phổ biến trên các con dấu thời xưa là họa tiết chữ và hình ảnh 12 con giáp. Sự kết hợp khéo giữa hai yếu tố trên tạo nên nét đẹp riêng thể hiện bản ngã, cốt cách tư tưởng và sở thích cá nhân của chủ dấu. Đặc biệt, người nghệ nhân khắc gỗ xưa còn tự mày mò tạo ra những họa tiết độc đáo mới lạ làm phong phú thêm cho kho tàng con dấu cổ của Việt Nam. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, họa tiết trên con dấu trở nên đa dạng hơn. Người thợ khắc dấu làm ra hàng trăm con dấu đủ hình dạng kích cỡ với đủ mọi họa tiết từ chim muông, cây cỏ đến con người.

khac-con-dau-go-2

Sự sáng tạo của người nghệ nhân khắc dấu

Nghề khắc dấu trên gỗ đã trở thành một nghề thủ công và một thú chơi tao nhã của người Hà Thành. Thuở lập nghiệp, người dân làng Nhị Khê xưa chỉ dùng những phương tiện thô sơ để đục khắc, khó nhọc vất vả biết bao. Vậy nên dấu gỗ đẹp đâu chỉ ở những nét khắc tinh xảo! Nếu sự dẻo dai khéo léo của đôi bàn tay người thờ tạo nên những hoạt tiết thủ công tinh tế thì chính sự tâm huyết lòng yêu nghề đã giúp người thợ thổi hồn vào những dấu gỗ thô ráp. Đúng vậy, không phải ai cũng có thể mải miết mân mê khúc gỗ thô ráp, phải tận tâm lắm, phải yêu nghề lắm, người thợ khắc dấu trên những con phố của Hà Nội mới có thể duy trì cái nghiệp khắc dấu mà cha ông để lại.

nghe-thuat-khac-dau-go

Những con dấu mang cái hồn của Hanoi xưa

Và cũng giống như nhiều nghề truyền thống khác, khắc dấu cổ truyền Hà Nội đang trên bờ mai một bởi những thứ mà cuộc sống hiện đại mang đến. Những cửa hàng cũ kĩ với biển hiệu nhạt màu nằm chen giữa những con phố lộng lẫy sắc màu khiến nhiều người khó nhận ra. Những người khách đến đặt hàng phần lớn là khách du lịch. Họ thích thú với nghề khắc dấu cổ truyền của Việt Nam và sẵn sàng dành hàng giờ đồng hồ để ngồi ngắm ngía người nghệ nhân đục gỗ đánh màu. Và khi cầm được món quà của đất Kinh Kỳ trên tay, họ không khỏi bàng hoàng, thán phục trước cái hồn Việt giản dị chân thật đượm trong từng nét khắc.

khac-con-dau-go-3

Những họa tiết mang đậm chất dân tộc trên con dấu cổ

Tuy nhiên, những người có tâm với nghề khắc dấu cổ truyền tại Hà Nội, họ sẽ có cách riêng để những giá trị truyền thống không bị mai một. Những người nghệ nhân của nghề đã khéo léo thêm vào những giá trị văn hóa đường đại với hình ảnh gần gũi với con người và đất nước Việt Nam như một hình thức đưa quê hương đất nước đến gần hơn với bạn bè thế giới và cũng để từ đó con dấu có thể đồng hành trên con đường phát triển của đất nước. Dẫu cuộc đời có nổi trôi nhưng chắc chắn rằng với lòng vấn vương với nghề, sự cố gắng giữ lấy hồn dân tộc, những người thợ, những người nghệ nhân khắc dấu sẽ tiếp tục lặng lẽ bám lấy nghề, bám lấy nét văn hóa truyền thống đáng tự hào của người dân phố thị Hà thành.

nghe-nhan-khac-dau-go

Người nghệ nhân khắc dấu giữa lòng phố cổ Hà Nội

khac-con-dau-go-4

Con dấu gỗ là món quà ý nghĩa cho du khách gần xa

Khắc dấu cổ truyền Hà Nội đã trở thành một nét văn hóa đáng tự hòa của người dân Kinh Kỳ. Những nét khắc đặc sắc, tinh xảo trên hình vẽ không chỉ là sự tài hoa của đôi tay người nghệ nhân mà còn là minh chứng của những giá trị cổ truyền đáng tự hào của dân tộc. Và rồi đây người ta hi vọng sẽ có người của thế hệ trẻ nhận ra giá trị mà cha ông đã gìn giữ, âu yếm và phát triển nó để rồi không còn nỗi thầm thương con dấu gỗ Hà Nội len lỏi trong lòng những người thợ khắc dấu già!

Dạ Thiên