Đường Lâm – màu cổ kính còn in hằn nơi ấy

13 Tháng Chín, 2019 3 Comments

Từ bé đến giờ, tôi chưa bao giờ sống ở một nơi gọi là làng. Làng của ông, của bà cũng xa xôi trong ký ức của tôi. Nhưng nhắc đến làng, dễ thường lòng hay miên man cảm xúc. Từ hơn chục năm nay, làng của Hà Nội đã dần biến thành phố, nhưng đâu đó trong tâm trí mỗi người vẫn muốn có một lúc nào đó tìm về một chốn bình yên trong không gian của những ngôi làng “không mùi phố”.

pho-co-duong-lam

Ảnh: Khánh Hmoong

Làng không mùi phố

Trong rất nhiều ngôi làng Bắc Việt, Đường Lâm có lẽ là cái tên nổi tiếng, được nhiều người biết nhất. Đã hơn chục năm kể từ ngày Đường Lâm được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, nơi đây xuất hiện nhiều trên báo chí, trong những lời kể hay ho, thú vị của những người khách lạ phải lòng.

duong-lam-ha-noi

Ảnh: HQN

Màu hoa lãng đãng trên mái xưa

Thực tình, trong mắt tôi, Đường Lâm hơi “phố thị”. Nơi đây có những ngôi nhà 300 tuổi, có những mái ngói đi qua tháng năm nhưng Đường Lâm nổi tiếng quá, nhiều người đến quá. Nó không thực sự là một ngôi làng nguyên vẹn trong kí ức tuổi thơ, trong những hình dung về làng một cách thuần Việt.

hoa-trong-nha-co-duong-lam

Ảnh: ihafoto

Hoa trong ngôi nhà cổ.

Nhưng việc đòi hỏi một thứ nguyên bản giữa thành thị hôm nay có phải là một điều quá khiên cưỡng. Nếu không có những lượt khách ghé thăm, không có sự nổi tiếng như hiện tại thì liệu Đường Lâm có được bảo tồn chu đáo như bây giờ. Tôi nhớ có người bảo rằng vẻ đẹp tự nhiên nhưng không tự nhiên mà đẹp, thực đúng là vậy. Nhà cổ Đường Lâm 300 năm hay bao nhiêu năm đi nữa mà không nhận được sự đầu tư, chăm sóc thì sớm muộn cũng bị phá bỏ để thay thế bằng những thứ rất “thức thời”.

pho-co-duong-lam-ha-noi

Ảnh: Bê Chấm Than

Có những vẻ đẹp cũ đi cùng với tháng năm..

Vì là ngôi làng di sản nên người Đường Lâm cũng sống trong những căn nhà “khó tính” như người phố cổ. Những căn nhà ấy có cổ, có cũ, có hơi cũ, cái chắc chắn, cái không nhưng muốn tu sửa gì cũng cần đệ trình, xin giấy phép. Bởi vậy, chẳng ai ngang nhiên tự ý phá đi cái không gian đặc trưng của cả làng. Ở đó vẫn có những thứ rất đặc trưng mà nhắc đến là người ta nghĩ ngay tới làng của Bắc Bộ: cây đa, bến nước, ao sen, sân đình, đồng ruộng, gò, đồi…

pho-co-duong-lam-ha-noi-1

Ảnh: HQN

Cổng làng yên ả.

Từ cổng vào làng, gạch lát sạch sẽ, tường đá ong sậm vàng đan lại dẫn lối về những yên bình. Đường làng đan hình xương cá, trung tâm Đường Lâm là làng Mông Phụ, nơi có mái đình nổi tiếng được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng.

pho-co-duong-lam-ha-noi-2

Ảnh: Giang famj

Tường đá ong sậm màu bình yên.

Tuy chỉ là ngôi làng nằm ngoại vi Hà Nội nhưng Đường Lâm kể những câu chuyện rất dài về cuộc sống và văn hóa. Làng là nơi gắn hết những con người bình thường và những bậc thánh tôn, kỳ tài của dân tộc. Đi quanh Đường Lâm có cổng làng Mông Phụ, chùa Mía, đình thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, nhà thờ Giang Văn Minh…

pho-co-duong-lam-ha-noi-3

Ảnh: HQN

Hàng cau xiêu bóng trước hiên nhà

Những di tích ấy được làm bằng đá ong xứ Đoài. Đá ong của xứ Đoài tôi từ chính đất quê hương. Đá từ lòng đất đưa lên, ngày một rắn, nhà xây nên từ đá ong mùa hè thì mát, mùa đông lại ấm, cũng ít mọc rêu. Vì lẽ đó mà sau bao nhiêu năm, nhà ở Đường Lâm vẫn đẹp, óng nên một màu nâu gạch rắn chắc. Bảo sao bên cạnh những cái tên “Làng ấp cổ hai vua” “Làng Việt cổ”, Đường Lâm còn có tên khác là “Làng cổ đá ong”.

pho-co-duong-lam-ha-noi-4

Ảnh: Khánh Hmoong

Hồn hoa làng cổ vẽ nên từ chất đá ong.

Ngoài đá ong, Đường Lâm có một loại “đặc sản” khác là tương. Tương ở Đường Lâm nổi tiếng lâu rồi, xuất hiện thường xuyên trên mâm cơm gia đình. Vang lên trên ngõ xóm câu hát người dân nằm lòng:

Còn trời, còn đất, còn mây
Còn ao rau muống, còn đầy chum tương.

pho-co-duong-lam-ha-noi-5

Ảnh: duonglamvillage

Những thế hệ lớn lên bên chum tương đầy.

Tình như thế, giản dị như thế, Đường Lâm trở thành điểm đến đáng giá cho những ngày cuối tuần chạy quanh Hà Nội. Bên cạnh việc phát triển dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách ghé thăm, người Đường Lâm vẫn sống một cuộc sống rất mực thôn quê, vẫn làm đồng, làm tương, chăm lo gia súc, gia cầm. Mà ai đi Đường Lâm thì nhớ ăn đặc sản. Thịt quay đòn, côn trùng nướng, gà Mía ở đây ngon lắm, đi chơi xong về thưởng thức thì tuyệt hết sảy.

pho-co-duong-lam-ha-noi-6

Ảnh: HQN

Dáng hình người muôn năm cũ

Hi vọng, một ngày nào đó, bạn có ai đó để cùng đi Đường Lâm, tham quan làng cổ, thưởng thức một vài món ngon, mua ít tương đặc sản về làm quà. Nếu có thể, hãy nghe thêm rồi kể lại những câu chuyện về Đường Lâm rất thành thật, chân tình cho mọi người cùng biết nhé.

Hàn Tư